Sáng 15/8, thông tin tới cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay thành phố đẩy mạnh trồng cây xanh, với chi phí chưa đến 40 tỷ đồng.
Trong khi đó chi phí cắt cỏ trên địa bàn hàng năm rất lớn và lãng phí. "Thành phố đã nhận thức được vấn đề này và yêu cầu tất cả các quận dừng việc cắt cỏ từ 1/7, tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm khoảng 700 tỷ đồng", ông Chung nói.
Đặc biệt, Chủ tịch Hà Nội cung cấp thêm thông tin mà ông cho rằng "nói ra nhiều người sẽ giật mình", đó là chi phí cắt cỏ cho 24 km Đại lộ Thăng Long (cắt cỏ và một ít trúc anh đào, hoa dâm bụt) một năm là 53 tỷ đồng.
700 tỉ đồng mỗi năm là điều rất phi lý
Xung quanh sự việc này, đa phần các chuyên gia đều cho rằng phải giám sát chặt chẽ các dịch vụ công, đồng thời Hà Nội cần có quy hoạch, thiết kế việc trồng cây xanh đảm bảo sử dụng tiền thuế của dân thật sự có trách nhiệm.
TS. Phạm Sĩ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho rằng, Hà Nội không chỉ cần công khai chi phí việc trồng và chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, người dân còn mong lãnh đạo thành phố công khai các dịch vụ công ích như lát lại vỉa hè, sửa đường... mỗi năm ngốn mất bao nhiêu tỉ đồng tiền thuế của dân.
"700 tỉ đồng mỗi năm là điều rất phi lý. Thế nhưng nó vẫn diễn ra bao lâu nay vì điều đơn giản là giám sát không chặt chẽ, đồng thời không công khai và minh bạch thông tin" - ông Liêm nhấn mạnh.
Bàn về cách làm của Hà Nội, trên tờ Tuổi trẻ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: "Với tinh thần Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng... còn các lĩnh vực khác, trong đó có trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh nên để tư nhân tham gia. Như ở các nước, hầu hết doanh nghiệp tư nhân tham gia và có sự giám sát chặt chẽ từ xã hội, người dân".
Phải có trách nhiệm với tiền thuế của dân
Bình luận về thông tin được chủ tịch UBND Hà Nội công bố, trên tờ VietnamNet, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, con số trên gây giật mình cho hầu hết những ai được nghe.
"Đây là một con số lớn và càng lớn hơn nếu so với mức chi cho giáo dục, y tế, xây dựng nhà trẻ, nhà ở xã hội… trên địa bàn TP. Nó càng nhạy cảm nếu so với thu nhập thuế của những tỉnh nghèo" - TS. Phong nhấn mạnh.
TS. Phong cũng dẫn thông tin từ Báo Bắc Kạn Online ngày 3/1/2016 để so sánh với số tiền mà Hà Nội chi cho việc cắt cỏ, tỉa cây. Theo đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 của toàn tỉnh Bắc Cạn đạt 482 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch và tăng 3,5% so với năm 2014, trong đó thu nội địa 435 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 35 tỷ đồng, thu từ xổ số kiến thiết 12 tỷ đồng.
"Đây là kết quả nỗ lực lớn của cả tình nghèo này. Sự so sánh và suy ngẫm về những con số 700 tỷ đồng và 435 tỷ đồng giữa chi và thu NSNN của hai tỉnh này càng gây cảm xúc nặng nề, không dễ diễn đạt…" -TS. Phong nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng đây là con số quá lớn. Điều quan trọng nhất rút ra ở vụ việc này là phải có trách nhiệm với tiền thuế của dân và phải minh bạch hóa tất cả những quyết định đó.
Bà Lan nói: "Tôi không hiểu HĐND TP Hà Nội có được báo cáo mà phê chuẩn việc chi 700 tỉ đồng để cắt cỏ hay không, nhưng trong phê duyệt ngân sách hằng năm HĐND không thể bỏ qua những con số như vậy được"./.
Quý Dương (Tổng hợp)