Cần nâng cao nhận thức về công trình xanh
Theo CEO EZ Land Việt Nam - Olivier Đỗ Ngọc Dũng, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại cơ hội tiên phong cho doanh nghiệp, trong việc nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Tuy nhiên, tại Việt Nam, công trình xanh đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, chính vì vậy để trở thành xu hướng mà mọi người dân đều muốn hướng tới sẽ là một thách thức với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Có nhiều rào cản trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam như: Chưa có quy định bắt buộc hoặc khuyến khích đủ mạnh để phát triển công trình xanh. Mặt khác, nhận thức về công trình xanh còn hạn chế, kể cả cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, xây dựng, người sử dụng…
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển công trình xanh.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn còn đắn đo trước yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, chưa biết khai thác yếu tố "xanh" để xây dựng thương hiệu và quan ngại việc đầu tư công trình xanh sẽ làm tăng tổng chi phí đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, các rào cản về kỹ thuật và đầu tư, ứng dụng công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực tiết kiệm nhiên liệu cũng là một trong số những thách thức đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay khi tập trung phát triển công trình xanh”, CEO EZ Land Việt Nam nói.
Cũng theo ông Olivier Đỗ Ngọc Dũng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển công trình xanh trong thời gian tới và nâng cao giá trị đóng góp của công trình xanh vào sự phát triển đô thị ở Việt Nam, thông qua việc nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công trình xanh.
Cơ hội xen lẫn thách thức
Ông Phạm Danh, Phó Tổng Giám đốc Đại Phúc Group cho rằng, công trình xanh - kiến trúc xanh là một trong những giải pháp để thích ứng với việc biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính, giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến môi trường sống của cư dân tại khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Có thể thấy, thị trường công trình xanh, khu đô thị xanh đang ngày càng có nhiều dấu hiệu triển vọng và tiềm năng phát triển khắp toàn cầu. Dự kiến, số lượng công trình xanh thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 13% từ nay đến năm 2020, kéo theo sự thay đổi về lựa chọn của cộng đồng ngành xây dựng, cũng như nhu cầu của khách hàng trong thị trường tiềm năng này.
Nhu cầu của khách hàng về bất động sản xanh với các tiêu chí như gần gũi thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng khiến các doanh nghiệp chủ đầu tư ngày càng chú trọng phát triển dự án xanh, thân thiện môi trường. Với tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng nhanh, hàng nghìn công trình lớn nhỏ đang mọc lên mỗi ngày, kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu từ phía khách hàng với những công trình xanh, hạn chế năng lượng tiêu thụ và tiết kiệm chi phí.
Theo ông Phạm Danh, cơ hội đối với doanh nghiệp theo xu hướng xanh là đón đầu về tư vấn công nghệ và đầu tư nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam . Bên cạnh đó, thị trường còn rất rộng và mở cửa cho xu hướng này, hiện tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, những công trình xanh - khu đô thị xanh chỉ đếm được trên đầu ngón tay theo đúng nguyên nghĩa bản chất của nó.
Tuy nhiên, để phát triển công trình xanh, các chủ đầu tư đối mặt với không ít thách thức như: Chi phí đầu tư ban đầu, thời gian đầu tư và các thủ tục, pháp lý phức tạp hơn các dự án thông thường, thị trường đầu vào cũng như đầu ra chưa có đủ thông tin về sản phẩm mới mẻ này, kinh phí đầu tư cao, kiến thức về công trình xanh vẫn chưa được phổ biến và bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam chưa hoàn thiện.
“Chưa có quy định bắt buộc, hoặc khuyến khích đủ mạnh để phát triển công trình xanh, đặc biệt là với các công trình xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước; nhận thức về công trình xanh còn hạn chế (kể cả cơ quan quản lý, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thi công, xây dựng, người sử dụng).
Chi phí phụ trội cho áp dụng các tiêu chí xanh và hiệu quả kinh tế; quy trình thủ tục phức tạp, tốn kém... Ngoài ra, nhiều người mua căn hộ chỉ tìm vị trí đẹp, giao thông thuận tiện mà ít quan tâm đến yếu tố xanh như chủ đầu tư dùng đèn gì, tiết kiệm nước ra sao… Tâm lý của người mua nhà ở Việt Nam còn thói quen chọn giá thành làm tiêu chí quan trọng.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư đúng nghĩa dự án công trình xanh đang phải cạnh tranh với quá nhiều dự án gắn mác xanh trên thị trường nhưng không rõ chất lượng như thế nào”, Phó Tổng Giám đốc Đại Phúc Group chia sẻ.
Làm công trình xanh đòi hỏi rất nhiều nỗ lực
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), phát triển bất động sản xanh và thông minh là tất yếu, đi cùng với nhau. Nó phù hợp trong giai đoạn hiện nay để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra rất nhanh và rất nghiêm trọng.
Hiện nay các doanh nghiệp đã chú ý nhiều hơn đến vấn đề dành nhiều không gian cho mảng xanh. Đã qua thời kỳ cách đây 20 - 30 năm trước, đi xin diện tích đất ở tối đa đến 70 - 80%. Phân lô bán nền kiểu dày đặc như thế là người ta không mua. Cho nên các dự án bây giờ, khi duyệt chung cư, các dự án không bao giờ được duyệt quá 38%, còn lại phải làm mảng xanh, đường sá. Đứng về mặt quy hoạch thì đã có sự thay đổi và cái đòi hỏi của người tiêu dùng bây giờ họ không chỉ đi mua một căn nhà mà người ta mua cả một không gian sống.
Trước đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã khuyến nghị các doanh nghiệp phát triển bất động sản đạt các chuẩn về mặt quy hoạch, thiết kế, an toàn… Và hiện nay, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khuyến nghị các doanh nghiệp phát triển dự án vừa thân thiện môi trường vừa thông minh và phải đảm bảo an ninh và an toàn.
“Theo xu hướng mới, Nam Long đã đạt được Chứng chỉ EDGE, Phúc Khang thì theo đuổi 2 tiêu chuẩn LEED và LOTUS… Những dự án nào đạt được những tiêu chuẩn đó thì sẽ giữ danh hiệu đó trong vòng 3 năm, sau đó đánh giá lại. Nên để làm công trình xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp phải thừa nhận rằng nếu làm theo tiêu chuẩn xanh và thông minh thì rõ ràng là chi phí cao hơn so với căn hộ bình thường. Nhưng vì lợi ích lâu dài, vì thương hiệu nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng làm theo hướng này. Rất đáng để khích lệ, đáng lan toả thị trường phát triển theo hướng này”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Sự chọn lọc của khách hàng sẽ thúc đẩy công trình xanh
Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Vietnam cho rằng, đối với người tiêu dùng thì công trình xanh thực sự là một trong những nhu cầu cơ bản, cũng như là mong muốn của người dân. Bản thân ai cũng muốn có một không gian xanh hoặc công viên hay mảng xanh trên các toà nhà, các không gian công cộng.
Trong kinh doanh bất động sản, nhà có view hướng ra công viên bao giờ cũng có giá cao hơn bởi người ta được sở hữu một mảng xanh ở phía xa. Nó cũng làm cho không gian sống tốt hơn, dễ chịu, thoải mái hơn.
Theo ông Phạm Lâm, một sản phẩm tốt sẽ được đón nhận. Các doanh nghiệp phải tìm được hướng đi riêng để phát triển sản phẩm của mình, họ phải tập trung vào cái mà thị trường đang cần. Ví dụ những dự án có cảnh quan xanh, đẹp được chú trọng về các tiêu chuẩn cũng như sự bền vững thì họ sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của thị trường. Do đó, sự chọn lọc của khách hàng về lâu dài sẽ thúc đẩy thị trường theo xu hướng tốt.
Tổng Giám đốc DKRA Vietnam cũng khuyến cáo khách hàng khi lựa chọn công trình xanh, cần xem xét uy tín của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, trong việc lựa chọn thì sẽ có những tiêu chí. Ví dụ như chủ đầu tư này phát triển dự án nhà ở gắn liền với tiêu chuẩn phát triển xanh thì phải có các tiêu chuẩn đo lường như: LOTUS, Green Mark hay LEED,… phải cụ thể chứ không phải nói xanh nghĩa là xanh. Ngoài ra, khách hàng cũng nên đọc qua các tài liệu về nguyên vật liệu, vật tư, trang thiết bị, một số các quy trình làm tiêu chuẩn xanh của các toà nhà để có đủ cơ sở đưa ra quyết định.
Theo Quốc Tuấn/reatimes.vn