Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) cho biết, việc nghiên cứu ga C9 được làm hết sức thận trọng, đã cân nhắc nhiều yếu tố.

- Tại sao ga C9 được đề xuất đặt ở vị trí này, thưa ông?

- Việc nghiên cứu ga C9 đã được triển khai từ nhiều năm qua, với nhiều phương án tuyến khác nhau. Trước hết phải tính đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn của ga ngầm như thu hút lượng hành khách, thoát nạn, thoát hiểm, cứu hỏa...; việc kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác; khoảng cách giữa các ga...

Ga C9 nằm giữa ga C8 và C10; trong đó, ga C8 kết nối với tuyến đường sắt số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) khu vực tháp nước Hàng Đậu; ga C10 đặt tại nút Hàng Bài - Trần Hưng Đạo để kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai).

Để bảo đảm khoảng cách giữa các ga, ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm là tối ưu. Vị trí này đã được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc giữa nhiều phương án, được sự thống nhất của các cơ quan, bộ, ngành và phù hợp với các quy hoạch, hướng tuyến đã được phê duyệt.

- Có ý kiến cho rằng, tại sao không đưa hướng tuyến đường sắt đô thị ra xa khu vực hồ Hoàn Kiếm, chẳng hạn như phía gần đê sông Hồng?

- Trong quá trình nghiên cứu, ngoài tuyến số 2 nói riêng còn phải xem xét sự kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác trong 8 tuyến đã được quy hoạch. Trước đây, chúng tôi cũng đã nghiên cứu 3-4 phương án hướng tuyến, kể cả khu vực giáp đê sông Hồng hay khu vực Nhà hát Lớn, Nam hồ Hoàn Kiếm... Tuy nhiên, những phương án này không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm thu hút lượng hành khách, khoảng cách bán kính giữa các nhà ga và các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác như đã nói, để phục vụ hiệu quả nhất.

- Vậy, ga C9 có tác động thế nào đến cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm và làm gì để hạn chế tác động đó, thưa ông?

- Ga C9 là ga ngầm có 4 vị trí lối lên xuống. Lối lên xuống thứ nhất được xác định nằm ở khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Lối thứ hai trên phố Trần Nguyên Hãn, trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Lối thứ ba dự kiến đặt bên phía hồ Hoàn Kiếm (diện tích khoảng 100m2), chỗ hiện có nhà vệ sinh công cộng. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cảnh quan, lối lên xuống thiết kế không có mái che, chỉ xây dựng lan can để người dân nhận biết nhà ga và bảo đảm an toàn.

Lối lên xuống sẽ không kết hợp với dịch vụ, thương mại hay bất kỳ hoạt động nào khác mà chỉ phục vụ hành khách đi tàu. Nhà vệ sinh sẽ được hạ ngầm cùng với lối lên xuống. Vị trí thứ tư dự kiến đặt tại khu vực Tượng đài cảm tử (diện tích khoảng 68m2); cũng chỉ có lan can, không có mái che. Hiện, UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý đường sắt đô thị - chủ đầu tư dự án và Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan lấy ý kiến, xem xét kỹ lưỡng.

Theo quan điểm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc việc đặt vị trí lối lên xuống ở đây còn phù hợp với việc tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Với ý nghĩa quan trọng của không gian hồ Hoàn Kiếm, sau khi các sở, ngành báo cáo, UBND thành phố sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các hội nghề nghiệp, bộ quản lý chuyên ngành, chuyên gia, nhà khoa học...

- Ga C9 là ga ngầm, yếu tố địa chất khu vực hồ Hoàn Kiếm có ảnh hưởng gì không?

- Ga C9 có đỉnh cách mặt đất khoảng 5-6m, nền cách hơn 20m. Trong phương án thiết kế, không riêng ga C9 mà các ga ngầm khác đều phải khảo sát và phương án đề xuất đã được tính toán các yếu tố địa chất. Khi triển khai xây dựng chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu tiếp tục nghiên cứu thêm.

- Thưa ông, bao giờ quy hoạch hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được phê duyệt?

- Khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận nằm trong 3 đồ án quy hoạch phân khu, hiện đang được thẩm định. Khâu thẩm định 3 đồ án này rất thận trọng, bởi tính chất quan trọng của khu vực hồ Hoàn Kiếm; mặt khác có liên quan đến ga C9 nên còn phải xin ý kiến các bộ, ngành. Theo kế hoạch của thành phố thì trong thời gian ngắn nữa sẽ trình phê duyệt.

- Trong khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có những tuyến đường sắt đô thị nào chạy qua nữa, thưa ông?

- Liên quan đến hồ Hoàn Kiếm chỉ có tuyến số 2. Liên quan đến phố cổ có thêm tuyến số 1, đi qua cầu Long Biên, Hàng Đậu. Khu vực phố cũ có tuyến số 3 nằm trên đường Trần Hưng Đạo.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Gia Khánh/ Hà nội mới

Bạn đang đọc bài viết Đã cân nhắc thận trọng vị trí ga ngầm tại khu vực hồ Hoàn Kiếm? tại chuyên mục Tin tức của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn