Ngày 25/11, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay". Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) là đơn vị tổ chức Hội thảo. Đơn vị đồng hành là Công ty CP Tập đoàn Meey Land, HD Mon.
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường và lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; trên 50 chuyên gia, nhà khoa học và đại diện hàng trăm doanh nghiệp bất động sản.
Những “hàng rào barie, chốt chặn” thị trường bất động sản cần tháo gỡ
Phát biểu đề dẫn hội thảo, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, dù thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng thời gian qua chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, nhiều mảng thị trường chưa được khai thác và đầu tư có hiệu quả. Bất động sản công nghiệp, du lịch, giải trí mới chỉ tập trung ở một số vùng miền, chưa tạo được động lực và sức hút sâu rộng ở các địa bàn trong cả nước. Nhiều phân khúc thị trường còn gặp những rào cản, vướng mắc lớn. Nguồn tài nguyên đất đai tiềm năng chưa được khai thác một cách tối ưu. Bất động sản trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao còn phát triển dè dặt, cầm chừng, hệ số lấp đầy chưa cao. Nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp trong xã hội rất lớn, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp, song mức độ đáp ứng lại hạn chế.
“Thực trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, song không thể phủ nhận rằng, cơ chế và chính sách đối với thị trường bất động sản trong thời gian qua còn những hạn chế nhất định. Nhiều vấn đề mới được đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp phù hợp hơn như pháp lý cho các loại hình bất động sản du lịch, bất động sản văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại… Các quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, về cơ chế bảo đảm phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ của rủi ro, tranh chấp…”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khóa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, trong thị trường bất động sản, nguyên lý đầu tiên là Nhà nước giữ vai trò tạo ra luật chơi, người chơi là các doanh nghiệp, nhưng “luật chơi” trên thị trường đang có nhiều bất cập.
Theo ông Tuyến, 3 đạo luật liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đang có những chồng chéo, chưa thống nhất gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản.
“Đơn cử như các quy định vướng mắc trong Luật Đất đai 2013 đang khiến việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản trở nên khó khăn hơn đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng, cách tính giá đất để đến bù. Hay việc không minh định ở trong luật về quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các sản phẩm bất động sản du lịch như condotel khiến các chủ đầu tư, nhà đầu tư bất an, thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro”, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho hay.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest nhìn nhận, ách tắc lớn nhất trên thị trường bất động sản hiện nay là do khung pháp lý. Có lẽ chính vì bất động sản phải chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật khác nhau. Trong đó, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất Đai, Luật Đầu tư… là “xương sống” của thị trường nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ.
Theo ông Hiệp, đối với các doanh nghiệp bất động sản, “hàng rào barie” lớn nhất hiện tại có lẽ là quy định phải có 100% đất ở hoặc “dính” đất ở mới được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại. Ông Hiệp cho hay, hiện có khoảng 400 dự án trên toàn quốc đang bị ách tắc bởi quy định này, do chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp có thể đảm bảo 100% đất ở, còn đa phần các doanh nghiệp sở hữu các loại đất khác hoặc đất hỗn hợp (đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở). Chính vì vậy, doanh nghiệp rất mong mỏi sửa đổi vướng mắc về thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Đây được xem là "nút thắt" lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thị trường bất động sản, từ đó đẩy giá nhà tăng cao.
“Doanh nghiệp mong sửa đổi các vướng mắc, khó khăn về thủ tục pháp lý như mong mẹ về chợ. Sửa đổi được quy định này là nhấc được barie lớn nhất, góp phần khơi thông các dự án, phục hồi thị trường nhà ở, gia tăng nguồn cung trên thị trường”, ông Hiệp bày tỏ.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, một vướng mắc khác cũng gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp bất động sản liên quan đến bất cập của Luật Đất đai 2013. Ông Hiệp đánh giá, hiện chưa có quy định nào cụ thể nên hệ số đền bù giữa các tỉnh khác nhau, quyền lợi của người nông dân khi đền bù khác nhau. Nếu hệ số đền bù của tỉnh đưa ra thấp, doanh nghiệp rất khó đàm phán với người dân để đền bù giải toả mặt bằng. Quy trình thu hồi đất của dân gồm khoảng 177 bước, cực kỳ dài dòng khiến các doanh nghiệp khó khăn không cách nào gỡ được, dẫn đến ách tắc trong việc triển khai dự án.
Về Luật Nhà ở, việc quy định 20% đất ở làm nhà ở xã hội tại các dự án cũng chưa có sự thống nhất. Nhiều dự án cho đền bù bằng tiền, nhiều dự án lại phải cắt đất. Việc một dự án cao cấp phải dành một phần đất xây dựng nhà ở xã hội trong cùng dự án là rất bất cập khi có sự chênh lệch hạ tầng, văn hoá, tiện ích.
Ông Hiệp cũng cho rằng, hiện giữa các luật có sự vênh nhau rất nhiều. Luật này quy định thế này nhưng luật kia lại quy định khác khiến việc thực thi rất lúng túng, không biết theo luật nào.
“Có thể nói bất động sản là một ngành kinh doanh phải hoàn thành các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác. Muốn bất động sản phát triển trở lại để làm động lực phát triển cho cả nền kinh tế là phải cải tổ hệ thống luật pháp thật hoàn chỉnh”, ông Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định.
Các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
Tại 2 phiên thảo luận của Hội thảo, các chuyên gia đã cùng đưa ra những giải pháp tháo gỡ những chồng chéo trong thủ tục đầu tư, ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường bất động sản, tháo gỡ các vướng mắc về Thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... Đồng thời đưa ra những kiến nghị về sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... và những chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp nhằm kéo giảm giá nhà, cân bằng cung cầu trên thị trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kiến nghị tháo gỡ khó khăn về tài chính - công nghệ cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng vì Chính phủ đang quyết liệt xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022 - 2023 và đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ sẽ dự kiến trình Quốc hội sửa 4 luật: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và một số điểm trong Luật Xây dựng”.
Tuy nhiên, ông Châu kiến nghị, xây dựng lại quy trình triển khai thực thi các thủ tục và công khai, minh bạch. Cụ thể là các bước chấp nhận chủ đầu tư, thu tiền sử dụng đất...
Trong tham luận Hội thảo, PGS.TS.Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, chính sách trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn 2022 - 2023 và đến 2025, để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, cần hướng đến các chủ thể khác nhau với các nhóm chính sách khác nhau. Trong đó chú trọng chính sách nâng đỡ những doanh nghiệp mạnh, những địa bàn thuận lợi. Gỡ vướng mắc pháp lý, tập trung phê duyệt dự án mới. Giảm thuế, phí, không phạt chậm nộp thuế phí và các nghĩa vụ tài chính liên quan đến bất động sản.
Đồng thời cần có chính sách cứu những doanh nghiệp khó khăn, những địa bàn khó khăn, đơn cử như đề xuất xem xét giảm 2 điểm % lãi suất cho vay để doanh nghiệp bất động sản giảm gánh nặng lãi suất trong giai đoạn phòng tránh Covid-19.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua phát triển cơ sở hạ tầng. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công có tác động mạnh đến thị trường bất động sản, giải ngân đầu tư công thấp sẽ làm cho thị trường bất động sản không được hưởng lợi từ vốn ra khỏi hệ thống để vận hành vào nền kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích, pháp lý không minh bạch, rõ ràng đã dẫn đến nhiều rắc rối trên thị trường bất động sản. Giá bất động sản đã tăng cao. Nhiều người trẻ nghĩ 1,5 tỷ đồng có thể mua được một căn chung cư "ngoài vành đai", cách xa trung tâm, nhưng giá thực tế có thể đã lên đến 2,5 tỷ đồng. Vì vậy, ông Nghĩa đề xuất, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Bộ Xây dựng nên chăng thành lập một bộ phận rà soát lại toàn bộ quỹ đất trong thành phố để thu hồi hoặc đánh thuế thật mạnh.
Về tín dụng cho bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị nên có sự đối xử phân biệt với các dự án bất động sản để những doanh nghiệp nào có mục tiêu phát triển dự án tốt nhận được sự ưu đãi phát triển dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần tìm cách giải ngân vốn cho bất động sản hợp lý hơn.
Còn TS. Vũ Đình Ánh đề xuất giải pháp khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản phục hồi sau dịch bệnh. Theo đó, quan trọng nhất là củng cố và nâng cao tiềm lực tài chính của doanh nghiệp bất động sản thông qua phục hồi quy mô doanh thu và lợi nhuận cũng như tăng quy mô vốn chủ sở hữu và vốn tự có của doanh nghiệp. Ông Ánh cho rằng, các chính sách giãn hoãn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước khác có tác dụng tích cực giúp sớm phục hồi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp bất động sản.
Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho hay, thực tế trong nhiều trường hợp các khoản chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng không theo kịp giá thị trường, doanh nghiệp cần bỏ ra nhiều khoản chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án, nắm bắt các thời cơ vàng để đưa sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, để được ghi nhận là chi phí hợp lý và được trừ cho mục đích tính thuế, các chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cần được thực hiện theo phương án đền bù, giải phóng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, mặc dù là các khoản chi thực tế của doanh nghiệp, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ nhưng lại vướng mức khống chế theo phương án được phê duyệt nên một khối lượng lớn chi phí đầu tư vào Dự án đã không được ghi nhận chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, vô hình chung đẩy cao giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh.
“Chúng tôi khuyến nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư 78 năm 2014 phù hợp với thực tiễn hơn cho phép doanh nghiệp có thể ghi nhận các khoản chi phí hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng thực tế phát sinh, có hồ sơ, chứng từ theo quy định vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN”, đại diện Deloitte Việt Nam kiến nghị.
Nêu giải pháp về công nghệ đối với doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh chuyển đổi số, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Công nghệ CTCP Tập đoàn Meey Land cho hay, bên cạnh những sự tháo gỡ về Luật, chính sách, cơ chế cho doanh nghiệp thì chính doanh nghiệp cũng phải thay đổi từ chính mình, sử dụng tốt nhất những thành quả của cuộc Cách mạng 4.0, chuyển đổi số để thay đổi cách phát triển, cách tiếp cận khách hàng.
“Đối với lĩnh vực bất động sản, nhu cầu của khách hàng rất khác do với các ngành nghề khác, những đặc thù, đặc tính của khách hàng trong chuỗi cung ứng thay đổi và xuất phát ở những thời điểm rất khó dự báo, vì vậy cần có một hệ thống để thu thập, phân tích, dự báo hành vi khách hàng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho chính cho doanh nghiệp”, ông Hà nói.
Nói thêm về sự cần thiết của việc tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản phục hồi và phát triển, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Bất động sản đánh giá, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế đang gặp quá nhiều khó khăn, việc khơi thông hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững ở thị trường bất động sản sẽ góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, thu hút nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư vào nền kinh tế, góp phần ổn định an sinh, đáp ứng nhu cầu vô cùng cấp thiết về chỗ ở của người dân, đặc biệt là nhà ở cho tầng lớp bình dân và thu nhập thấp.
Theo ông Lập, sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản đang gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự đột phá trong khâu xây dựng hành lang pháp lý, đảm bảo tính xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Và nền kinh tế quốc gia, với sự đóng góp to lớn từ ngành bất động sản cũng đang trông chờ vào sự thay đổi này.
“Rõ ràng, bất động sản là lĩnh vực rất rộng, phổ biến trong mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc điều chỉnh các mối quan hệ pháp lý trong lĩnh vực bất động sản đòi hỏi phải có góc nhìn tổng thể và toàn diện mới đảm bảo hành lang pháp lý thông suốt và môi trường kinh doanh thuận lợi để thị trường phát triển minh bạch, ổn định và bền vững”, ông Lập nhấn mạnh./.
PV