Theo ghi nhận của PV Reatimes, hai đường Nguyễn Xiển đa phần là sấu, được trồng từ tháng 6/2016. Mỗi cây cao 3m, đường kính là 8 - 10 cm. Các cây được trồng nông, hầu hết đều có dấu hiệu bỏ cành, chậm phát triển. Rất nhiều cây chết khô, nhiều người đi qua chứng kiến cảnh tượng không khỏi ngao ngán.
Anh Trần Minh Hải, chủ quán sửa xe trên đường Nguyễn Xiển chia sẻ: "Ban đầu tôi thấy công nhân thường xuyên đến chăm sóc, tưới nước cho cây. Gần đây, tôi không thấy họ đến nữa, chắc họ nhờ ông Trời tưới hộ nhưng dạo này ít mưa, cây chết là hiển nhiên."
Trước đó, với mục tiêu từ nay đến năm 2020 trồng mới 1 triệu cây xanh, Hà Nội đang rầm rộ tiến hành triển khai việc trồng cây xanh nhiều khu vực trên địa bàn. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, việc trồng 1 triệu cây xanh cần được tính toán khoa học và hiệu quả, đảm bảo về cảnh quan môi trường và an toàn khi mùa mưa bão đến.
Mới đây, để phòng chống cơn bão số 7 sắp đi vào đất liền, đại diện Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị đã tiến hành rà soát toàn bộ cây xanh khu vực nội đô. Trong đó, đặc biệt lưu tâm tới 10.000 cây xanh mới trồng. Tuy nhiên tình trạng cây xanh chết trên đường Nguyễn Xiển dường như bị đơn vị này bỏ quên.
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khẳng định đơn vị này không phụ trách trồng hay quản lý số lượng cây xanh tại địa bàn nói trên.
Còn ông Phạm Thanh Bình - Phó tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long - xác nhận tuyến đường vành đai 3 và hạ tầng dọc đường do đơn vị này làm chủ đầu tư.
“Tuy nhiên chúng tôi đã bàn giao cho TP. Hà Nội nhiều năm nay rồi nên không còn liên quan nữa”, ông Bình phân bua.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận được tình trạng cây chết khô trên đường Nguyễn Xiển:
Thanh Nam