Mới đây, Trung tâm Kiến trúc xanh Harvard (CGBC), thuộc Trường Thiết kế Sau đại học Harvard, đã kết hợp với Snøhetta và Skanska Technology trong dự án tân trang lại trụ sở của CGBC. Các kiến trúc sư tin rằng việc cải tạo những tòa nhà cũ kĩ sẽ phần nào hạn chế được lượng khí thải thải ra vào môi trường.
Trọng tâm của dự án HouseZero là nâng cấp bề mặt bên ngoài của tòa nhà, bao gồm các việc như gia tăng cách nhiệt, mở rộng cửa sổ, xây thêm giếng trời có mái,… nhưng vẫn giữ lại được những nét kiến trúc đặc trưng lâu đời. Lớp tường bao bên ngoài sẽ được thiết kế để có thể thích nghi với sự thay đổi theo mùa và đáp ứng được các yêu cầu về tiện nghi.
Trong mỗi phòng sẽ lắp đặt các cảm biến tinh vi có chức năng mở và đóng cửa sổ để đảm bảo chất lượng không khí. Ngoài ra, một hệ thống quạt thông gió chạy bằng năng lượng mặt trời cũng được sử dụng để dẫn không khí thoát ra khỏi các không gian ngầm phía dưới. Sâu hơn nữa, một máy bơm địa nhiệt sẽ luân chuyển các dòng nước đã được làm nóng hoặc lạnh xuyên qua các bản sàn, tùy vào các mùa khác nhau, phục vụ cho hệ thống điều hòa nhiệt độ của tòa nhà.
Bên cạnh đó, dự án HouseZero cũng chú trọng đến mục tiêu chiếu sáng tự nhiên với việc lắp đặt các khung che cửa sổ. Vào mùa hè, cửa sổ này sẽ ngăn ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào bên trong. Đến mùa đông, nó lại cho phép ánh sáng lọt vào nhằm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống sưởi.
Không chỉ đem lại các thay đổi có lợi cho môi trường, HouseZero còn hướng tới xây dựng một không gian thoải mái, tiện nghi cho người sử dụng. Các vật liệu được dùng trong thiết kế chủ yếu là vữa đất sét, gỗ bạch dương và bê tông có độ xỉ cao, có khả năng giúp hấp thụ âm thanh.
Để tòa nhà vận hành trơn tru, các kiến trúc sư đã sử dụng hệ thống năng lượng được lấy từ các tấm pin quang điện có lớp chặn đặt trên mái nhà. Vào buổi đêm hay trong những điều kiện ít ánh sáng mặt trời, tòa nhà cũng chỉ cần sử dụng duy nhất một tấm pin. Năng lượng sạch dư thừa sau đó sẽ được chuyển lại vào hệ thống điện nội bộ.
Với những thay đổi đáng kể trên, tòa nhà này được hy vọng sẽ đảm bảo lượng ánh sáng tự nhiên và độ thoáng khí lên đến 100%. Nếu thành công, HouseZero sẽ trở thành hình mẫu tiêu biểu cho giải pháp kiến trúc siêu tiết kiệm năng lượng, đồng thời giảm thiểu được sự phụ thuộc vào công nghệ năng lượng chuyên sâu mà vẫn tạo ra một môi trường trong nhà đầy thoải mái.
Ngọc Hà (Nguồn: archdaily.com)