Tình yêu thương trẻ nhỏ, muốn dạy trẻ cách tái sinh những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống là động lực khiến những người nông dân trẻ ở Nông trại hữu cơ Tuệ Viên dám nghĩ và dám thực hiện công việc tưởng chừng như không thể. Đây cũng là mô hình nhà chai tái chế đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.

Cận cảnh ngôi nhà được xây từ chai nhựa tái chế ở Tuệ Viên.

Cận cảnh ngôi nhà được xây từ chai nhựa tái chế ở Tuệ Viên.

Xung quanh nhà là hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng.

Xung quanh nhà là hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng.

Những bạn trẻ ở Tuệ Viên đã ấp ủ ý tưởng xây một ngôi nhà bằng chai nhựa đựng nước hằng ngày từ rất lâu nhưng vẫn chưa thể thực hiện bởi không có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc. Nhưng sau khi gặp được kiến trúc sư Vũ Đức Duy, người cũng đang “nung nấu” ý định xây dựng một ngôi nhà tái chế thì họ đã kết hợp lại và tạo nên sản phẩm ấn tượng như ngày hôm nay.

Chai nhựa chứa đầy nước giúp ánh sáng tự nhiên hắt vào bên trong nhà.

Chai nhựa chứa đầy nước giúp ánh sáng tự nhiên hắt vào bên trong nhà.

Để thực hiện được mô hình nhà chai thuộc dự án "Trường học thiên nhiên", mọi người đã phải cùng nhau nỗ lực từ việc học hỏi kinh nghiệm ở những nước đã thành công như Nam Phi, Trung Quốc… Hay việc phải thu thập hàng nghìn chai nhựa đang rải rác khắp thành phố Hà Nội. Nhưng khó khăn nhất có lẽ phải kể đến việc huy động hàng trăm tình nguyện viên đồng lòng, dốc sức cùng nhau "phơi nắng" dưới tiết trời mùa hè oi ả để phơi cát, đóng chai và vận chuyển những nguyên vật liệu xây dựng qua lại giữa các khu trong nông trại rộng lớn.

Cửa sổ độc đáo, được làm từ những thanh tre, nứa bỏ đi.

Cửa sổ độc đáo, được làm từ những thanh tre, nứa bỏ đi.

Từ bên trong nhà nhìn ra là thảm thực vật xanh mướt.

Từ bên trong nhà nhìn ra là thảm thực vật xanh mướt.

Với diện tích chỉ khoảng 10m2, ngôi nhà chai này được coi là một sản phẩm tái chế, nhưng để thực hiện được nó lại là một “bài toán tái chế nâng cao”. Bởi chưa từng có những mô hình như thế trước đây ở Việt Nam, và chi phí bỏ ra để xây dựng ngôi nhà tái chế kiểu mẫu cũng không hề rẻ. Chỉ riêng khâu thu gom chai nhựa, nhiều khi những bạn trẻ thực hiện dự án này đã phải bỏ tiền túi ra mua lại từ công nhân vệ sinh. Phần nền, móng, cột nhà vẫn phải sử dụng gạch, xi măng như những công trình thông thường khác.

Góc trang trí nhỏ bên trong căn nhà.

Góc trang trí nhỏ bên trong căn nhà.

Tuy ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng của cả tập thể, ngôi nhà tái chế đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức hoàn thiện sau 5 tháng chuẩn bị và thực hiện. Chị Nguyễn Phương, phụ trách Chương trình Trường học thiên nhiên chia sẻ: “Dù rất vất vả mới hoàn thành xong ngôi nhà chai này nhưng nghĩ đến lợi ích của nó đối với các em nhỏ trong tương lai thì mọi người lại cùng nhau cố gắng,  tan hết mỏi mệt”.

Ngôi nhà tái chế từ chai nhựa là thực tế được thực hiện bởi những người trẻ yêu thiên nhiên, yêu đất mẹ quê hương. Luôn muốn bảo vệ tài sản quý giá nhất của tự nhiên, đó là nguồn đất, gửi gắm tình yêu đó đến với thế hệ mầm non của đất nước. Rất nhiều trường mầm non thường xuyên đưa học sinh tới thăm Nông trại Tuệ Viên, đồng thời cho các em cơ hội trải nghiệm thực tế việc tái chế vật dụng đã bỏ đi. Nhiều em ban đầu tỏ ra sợ sệt nhưng cũng dần thích nghi qua mỗi lần trải nghiệm.

Đặc biệt, không chỉ trẻ em Việt Nam được tiếp xúc với mô hình giáo dục đặc biệt này mà cả những trường có nhiều học sinh quốc tế theo học như Trường phổ thông đa cấp Ecopark Đoàn Thị Điểm, Trường mầm non Sakura (Nhật), Trường mầm non MapleBear (Canada)… cũng thường xuyên đưa học sinh đến vui chơi, học hỏi tại đây.

Những cuốn sách được góp tặng đầu tiên dành cho những em nhỏ khi tới “Trường học thiên nhiên”.

Những cuốn sách được góp tặng đầu tiên dành cho những em nhỏ khi tới “Trường học thiên nhiên”.

Bàn tái chế được đặt rất nhiều xung quanh nhà. Đây là nơi cho các em nhỏ tới trải nghiệm được ngồi thoải mái hòa mình với thiên nhiên.

Bàn tái chế được đặt rất nhiều xung quanh nhà. Đây là nơi cho các em nhỏ tới trải nghiệm được ngồi thoải mái, hòa mình với thiên nhiên.

Nhà chai ra đời ban đầu với mong muốn tạo không gian cho các em thực hành việc tận dụng đồ cũ trong một ngôi nhà tái chế, để các em cảm nhận thực tế hơn mỗi trải nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, về sau do số lượng tăng dần, nên nơi đây đang được tu sửa để trở thành thư viện cho các bạn nhỏ. Hiện nay, dự án này đang huy động thêm những cuốn sách hữu ích dành cho trẻ em phù hợp với nội dung chương trình.

Một góc nhỏ của nông trại được đầu tư để dành riêng cho thế hệ mầm non.

Một góc nhỏ của nông trại được đầu tư để dành riêng cho thế hệ mầm non.

Trong tương lai, những người thực hiện dự án "Trường học thiên nhiên" thực sự mong muốn mô hình nhà chai, nhà tái chế sẽ được nhân rộng ra cả nước, ứng dụng vào thực tế nhiều hơn nữa.

Hải Hoài

Bạn đang đọc bài viết Lạ lùng căn nhà xây từ 8800 chai nhựa tái chế ở Long Biên tại chuyên mục Dự án tiêu biểu của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn