Tất cả các công trình của KTS Hoàng Thúc Hào đều hướng đến thiết kế bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đây là một trong những lý do mà trong khuôn khổ Giải thưởng Ashui Awards 2015, Hoàng Thúc Hào được bình chọn là Kiến trúc sư của năm.
Một trong những công trình nổi bật của anh là nhà cộng đồng Cẩm Thanh ở Hội An, Quảng Nam. Xuất phát từ hình ảnh sân trong, mái dốc phố cổ, kết hợp với vườn cau, giàn dây leo ở trong các ngôi nhà truyền thống, nhóm thiết kế của KTS Hoàng Thúc Hào đã thiết kế nên một công trình vô cùng thân thuộc nhưng cũng rất độc đáo.
Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh là một điển hình kiến trúc xanh theo xu hướng bền vững, phát huy những yếu tố văn hóa, đổi mới không gian, cách tân phương thức sử dụng vật liệu địa phương.
Công trình xuất sắc không kém là nhà cộng đồng Suối Rè (xã Cư Yên, Lương Sơn, Hòa Bình). Công trình này đã đoạt giải Nhì giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2010, được xây dựng trên mảnh đất mà từ bao đời nay, người Kinh và người Mường chung sống hòa thuận với nhau.
Nhà cộng đồng Tả Phìn - Sapa, Lào Cai là công trình thứ 2 của KTS Hoàng Thúc Hào theo hướng đi riêng của anh: kiến trúc hướng về cộng đồng và người nghèo.
Khác với 2 nhà cộng đồng trên, nhà cộng đồng Nậm Đăm (Hà Giang) do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 thiết kế theo lối sáng tạo: nhà cộng đồng kết hợp với homestay. Công trình xây dựng với tinh thần đổi mới trên nền bản sắc địa phương. Được bao bọc bởi rừng già nguyên sinh và ruộng bậc thang tuyệt đẹp, Nậm Đăm là làng của người Dao áo dài tại xã Quản Bạ (Hà Giang). Nhà cộng đồng sử dụng tường trình đất dày – cách xây nhà quen thuộc của người Dao để giúp giữ ấm về mùa đông và mát vào mùa hè.
Một công trình ở nước ngoài mang đạm dấu ấn Việt Nam mà nếu nhắc đến KTS Hoàng Thúc Hào không thể không kể đến, đó là Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan – đất nước được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự đã đưa ý tưởng trời tròn đất vuông của người Việt Nam vào quần thể 1.500m2 nằm giữa rừng thông ở Bhutan.
Công trình mang phong cách chủ đạo là kiến trúc bản địa Bhutan nhưng cũng có nét văn hóa Việt Nam. Không phải kiến trúc sư nào cũng có cơ hội để lại dấu ấn ở nước ngoài, nhất là với một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, nơi sẽ tụ họp người từ nhiều quốc tịch trên thế giới. Theo KTS Hào, anh muốn công trình như cuộc đối thoại giữa đất - đá - gỗ, giữa không gian bên trong và bên ngoài, giữa triền đất và bờ sông, là sự hài hòa giữa tri thức hàn lâm và kinh nghiệm dân gian.
Ngày càng nhiều công trình của các KTS thế hệ 7x, 8x, tiêu biểu là KTS Hoàng Thúc Hào và các cộng sự được quốc tế công nhận. Nhiều công trình kiến trúc xanh Việt Nam mang lại "ngạc nhiên bền vững” cho chính KTS làm ra nó và cho những người chiêm ngưỡng chúng. Nhìn những công trình trên, chúng ta tin rằng kiến trúc xanh Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng để phát triển hơn nữa, mang đậm bản sắc Việt hơn nữa.
Ngọc Bích