Chương trình Green Cities diễn ra tại Melbourne từ 13 – 15/3/2018

Chương trình Green Cities diễn ra tại Melbourne từ 13 – 15/3/2018.

Năng lượng và xử lý khí thải tới những hành động toàn cầu

Năm 2017, lượng khí thải do hiệu ứng nhà kính toàn cầu tăng thêm 2%, đạt mức cao kỷ lục mới là 37 tỷ tấn carbon dioxide. Vì vậy, ngành bất động sản và ngành công nghiệp xây dựng toàn cầu phải có tầm nhìn sâu rộng và dài hạn về vấn đề này.

Romilly Madew, Tổng giám đốc điều hành của Hội đồng Công trình Xanh Úc (GBCA) nói: "Năm 2018, Liên hợp quốc sẽ thực hiện các hoạt động nhằm giảm lượng khí thải toàn cầu, và các bên ký kết Hiệp định Paris sẽ được yêu cầu để chứng minh sự thay đổi của họ trong việc đẩy mạnh giảm phát thải".

Romilly nhấn mạnh, chương trình này chắc chắn sẽ làm lộ ra những nhà lãnh đạo và những người còn chậm trễ trong hoạt động đối phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, sẽ gây sức ép lên chính phủ các quốc gia để tăng cường xử lý vấn đề trên.

Chris Pyke, Giám đốc điều hành của GRESB và thành viên hội đồng quản trị của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ (USGBC) cũng đồng ý với quan điểm trên.

Chris nói: "Sự kết hợp giữa các yếu tố như: chi phí cho năng lượng tái tạo, áp dụng rộng rãi các hệ thống lưu trữ năng lượng phân tán, chiến lược tài chính mới và mối quan tâm về các chất gây ô nhiễm không khí toàn cầu dần làm cho chúng ta thay đổi cách cung cấp năng lượng cho các tòa nhà và cho cộng đồng.

Ông chia sẻ thêm: "Những yếu tố này kết hợp với nhau nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong việc thiết kế và vận hành năng lượng trong quy mô cộng đồng và hệ thống xây dựng". Chúng ta sẽ thấy số lượng ngày càng tăng các cộng đồng và công trình với lượng carbon thải ra môi trường vô cùng thấp.

Giám đốc điều hành của GBC ở Nam Phi, Dorah Modise, hy vọng sẽ thấy được "sức ép đáng kể" đối với các nước và các công ty để phát triển mạng lưới chiến dịch carbon bằng 0.

"Khoảng cách giữa các nhà đầu tư bất động sản, chủ sở hữu và các chính quyền thành phố cho thấy sự cần thiết phải có những công trình và cơ sở hạ tầng bền vững", bà Dorah nói thêm.

Thành phố Melbourne

Thành phố Melbourne

Những thành tựu công nghệ

Joelle Chen, Trưởng nhóm Mạng lưới Châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức WorldGBC, cho biết công nghệ tiên tiến đang hỗ trợ cho khái niệm "siêu địa phương" và xác định lại cơ sở vật chất của chúng ta về môi trường xây dựng.

Cô nói: "Mọi người đang chú ý nhiều hơn tới những nghiên cứu thiết thực, và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương. Điều này làm tăng thêm nhu cầu đi bộ và kiến thức của địa phương, phù hợp với nỗi ám ảnh hiện tại của chúng ta về việc cố gắng đạt được 10.000 bước mỗi ngày”.

"Thiết kế của các khu phố và các tòa nhà sẽ cần phải tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng nơi làm việc và cộng đồng, về sức khoẻ, sự thịnh vượng, khả năng vững bền và hạnh phúc.

Ông Simon Wilson, Chủ tịch Nhóm tư vấn về GBC ở New Zealand, cũng chỉ ra rằng công nghệ là một xu hướng chiếm ưu thế, giúp chúng ta quản lý tài nguyên tốt hơn. Sử dụng những công nghệ có sẵn để kiểm soát và quản lý năng lượng, nước; điều khiển thông minh để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và gia tăng sự thoải mái, cũng như các phương tiện điện tử.

Ông Simon cũng khẳng định thêm: "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy các yêu cầu về kiểm soát lớn hơn cho phép các tòa nhà tương tác với hệ thống đường dây điện.

Theo Chris Pyke, những tiến bộ trong công nghệ đồng nghĩa với việc thực hiện "chưa bao giờ rẻ hơn, dễ dàng hơn hoặc thực tế hơn để đo lường hiệu quả hoạt động của các công trình, danh mục đầu tư, hoặc thậm chí là toàn thể cộng đồng".

Sức khỏe con người là vấn đề ưu tiên hàng đầu

Chris đề cập: "Dân số già yêu cầu chi phí chăm sóc sức khoẻ tăng cao, bất bình đẳng xã hội và các mối quan tâm liên quan đang thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách cần xem xét môi trường xây dựng như một "liều thuốc" để cải thiện sức khoẻ dân số.

Ông quan tâm đến vấn đề chăm sóc thể chất và tinh thần của cộng đồng, nhấn mạnh việc "sử dụng các Công trình Xanh" để có thể "chú trọng các vấn đề về xã hội, kinh tế, môi trường” trong những thách thức về sức khỏe toàn cầu như hen suyễn, béo phì và bệnh cô lập xã hội.

Simon chia sẻ: "Các vấn đề về vốn xã hội và đo lường, đánh giá và những báo cáo trung thực ngày càng trở nên quan trọng. Điều này có thể là các yêu cầu bắt buộc liên quan tới công cụ đánh giá về sức khoẻ và sự an toàn, báo cáo minh bạch hơn về sự đa dạng và đảm bảo sự công bằng ở cấp lãnh đạo, tiết lộ tỷ lệ thời gian và tiền bạc đầu tư vào các vấn đề nhân đạo.”

Romilly Madew cho rằng Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) đang ngày càng ảnh hưởng đến cách các doanh nghiệp suy nghĩ về một loạt các vấn đề bền vững như vấn đề về sức khoẻ con người.

Bà nhấn mạnh: "Hy vọng năm 2018, thế giới sẽ tập trung vào quyền lợi công bằng ngay trong các công trình. Một tòa nhà sử dụng hiệu quả năng lượng nhưng không thoải mái cho cư dân thì không phải là một Công trình Xanh.”

Các xu hướng này chỉ ra những thách thức và cơ hội cho thị trường xây dựng xanh toàn cầu vào năm 2018. Tuy nhiên, với 1.24 tỷ m2 không gian xây dựng hiện đã được chứng nhận bởi các hội đồng Công trình Xanh khắp thế giới, thị trường này sẽ có một tương lai tươi sáng.

Chris Pyke, Dorah Modise, Simon Wilson và Joelle Chen sẽ tham gia vào chương trình Green Cities, diễn ra từ ngày 13 -15/3, để khám phá những cái nhìn toàn cầu về xây dựng xanh.

Thu Hiền (Nguồn: gbca.org.au)

Bạn đang đọc bài viết Những xu hướng đi đầu trong công cuộc xây dựng xanh năm 2018 tại chuyên mục Tin tức của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn