Khóa đào tạo sẽ giới thiệu tổng quát về các hệ thống đánh giá phổ biến như LEED, LOTUS, Green Mark… và đi sâu thảo luận về các nhóm vật liệu chính, các đặc tính bền vững của vật liệu và tìm hiểu một sản phẩm vật liệu có thể đóng góp như thế nào cho một dự án công trình xanh.
Khoá đào tạo do chuyên gia của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam Vũ Hồng Phong giảng dạy.
Nội dung gồm các phần: Giới thiệu khái niệm Công trình xanh; Quá trình phát triển, thị trường và xu hướng phát triển công trình xanh; Giới thiệu và so sánh hệ thống chứng nhận LEED, LOTUS; Vai trò của vật liệu trong công trình xanh.
Như thông tin đã đưa, tháng 12/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 13/2017/TT-BXD, có hiệu lực từ 01/02/2018, quy định về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp để làm tường, vách ngăn và khối xây.
Theo đó, công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây dựng với tỷ lệ là 100% trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM; các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây, v.v.
Có thể thấy vấn đề lựa chọn và sử dụng vật liệu trong công trình xây dựng có ảnh hưởng to lớn, lâu dài đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Vì vậy, các hệ thống đánh giá công trình xanh như LEED, LOTUS hay Green Mark đều có những hạng mục, tiêu chí và điểm thưởng quan trọng liên quan đến vật liệu và cách sử dụng chúng trong công trình.
Vật liệu xanh trở thành một chủ đề quan trọng với các kiến trúc sư, kỹ sư, tư vấn thiết kế nội thất..., cũng là cơ hội và thách thức đối với các nhà sản xuất, phân phối vật liệu.
Lam Anh