Là một trong những đại biểu Quốc hội ủng hộ việc dừng chi hàng chục tỉ đồng cho việc cắt cỏ, làm công ích tại Hà Nội, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng đưa quan điểm, dừng các hoạt động cắt cỏ, tỉa cây để tiết kiệm ngân sách là đúng đắn bởi Hà Nội còn nhiều việc khác cần đến tiền, như xây cầu, xây trường học, làm trạm xá... Thủ đô Hà Nội cần phải lắng nghe các ý kiến dư luận và mạnh dạn đi đầu trong việc tiết kiệm, chống lãng phí. Nhưng, tiết kiệm vẫn phải đảm bảo thẩm mỹ cảnh quan cho Thủ đô Hà Nội.
“Dừng lại để xem xét khác với với chuyện dừng hẳn việc cắt cỏ, để cỏ mọc um tùm 2-3 tháng. Dừng tại thời điểm đó để xem xét lại vấn đề thu – chi nhưng anh phải tìm phương án chứ không được dừng hẳn vì cỏ mọc rất nhanh, cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng trầm trọng. Dừng như thế là sai, buông xuôi công tác chỉnh trang đô thị là không được, như thế là cực đoan! Cũng giống như chúng ta đang đi đường, xe đông, anh dừng một chút, nhưng vẫn phải đi tiếp, không được dừng hẳn, bỏ bẵng đó”.
Bà Bùi Thị An ủng hộ việc dừng chi hàng chục tỉ cắt cỏ nhưng chỉ nên dừng tại thời điểm đó - bước dừng tình thế, để hạch toán rõ ràng, đáng chi bao nhiêu, chọn đơn vị nào… Theo bà An, phương thức đặt hàng trong các hoạt động công ích tại Hà Nội còn nhiều vấn đề đáng “bỏ ngỏ”, cần phải xem lại cách tổ chức cắt xén như thế nào cho hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm.
Đây cũng là băn khoăn của ông Lê Văn Hoạt - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội. Ông Hoạt cũng cho rằng, công tác quản lý dịch vụ công ích lâu nay còn nhiều bất cập, đa số là cơ chế xin cho, đặt hàng thay vì đấu thầu công khai. “Chủ trương là khuyến khích đấu thầu, chào giá cạnh tranh và chỉ đặt hàng ở những nơi không thể thực hiện đấu thầu được. Nhưng phương thức đặt hàng vẫn là chủ yếu, hầu hết kinh phí ngân sách hàng năm đều đang thực hiện theo phương thức đặt hàng”.
Trước đây HĐND TP. Hà Nội đã từng đề nghị đổi mới phương thức quản lý theo hướng thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch để hạn chế những bất cập, thậm chí chuyện thỏa thuận ăn chia, khai khống số lượng. Ngay cả đặt hàng, đấu thầu thì cũng cần xác định rõ đơn giá. Nhưng cho đến nay, phương thức này vẫn được áp dụng. Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt đơn giá thanh toán sản phẩn dịch vụ công ích đô thị năm 2015 (được ban hành ngày 30/1/2015) là cơ sở để lập, phê duyệt dự toán, thanh quyết toán các gói thầu, đặt hàng dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn.
Theo nhiều chuyên gia, giải pháp cần nhất cho Hà Nội là phải phân cấp quản lý một cách hợp lý, đồng thời lựa chọn cách thức khác để việc quản lý được sát sao, theo chiều hướng tốt hơn.
Được biết, Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hệ thống quy trình, định mức đơn giá để đặt hàng, đấu thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn thành phố từ 1/1/2017. Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo lựa chọn được đơn vị có năng lực, kinh nghiệm, chất lượng duy trì tốt với chi phí hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật./.
Ngọc Ngọc