Những năm gần đây, tại Hà Nội và các đô thị lớn, nhiều chung cư cao tầng được thiết kế theo kiểu thời thượng hào nhoáng, thể hiện sự thịnh vượng và đẳng cấp của công trình với việc sử dụng các vách kính phẳng có diện tích rất lớn trên các mặt đứng ở mọi hướng. Hầu hết các cửa sổ kính không được thiết kế che nắng, các không gian "rỗng" như ban công, hiên, lô gia, sân trời... hay khoảng đệm điều hòa nhiệt độ và tạo bóng đổ giảm bớt ánh nắng chói vào nhà chủ còn quá ít, thậm chí bị cắt bỏ hoàn toàn trong nhiều công trình.
Không những vậy, không gian của nhà chung cư cao tầng được nghiên cứu chủ yếu theo dạng căn hộ đóng, mặt bằng công trình ít hoặc hoàn toàn không có các khe thông gió, khả năng chiếu sáng tự nhiên kém. Một trong những lý do là đội ngũ kiến trúc sư đang bị ảnh hưởng nhiều của xu hướng quốc tế hóa, ít chú ý đến giải pháp thụ động để tận dụng điều kiện khí hậu tự nhiên thuận lợi và giảm thiểu nhiệt lượng truyền từ ngoài vào trong nhà, từ đó giảm thiểu tiêu thụ năng lượng của công trình.
Theo chia sẻ của giới kiến trúc sư, đối với một công trình xây dựng, kiến trúc theo hướng xanh nên bắt nguồn từ ý tưởng tích hợp cây xanh dọc theo bề mặt các tòa nhà. Đây là giải pháp thiết thực cho các vấn đề môi trường và góp phần hạn chế tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Những bức tường xanh, mái nhà xanh và vườn cây sẽ bảo vệ người trong tòa nhà khỏi tia cực tím, giúp giảm nhiệt độ phòng, từ đó tiết chế nhu cầu máy điều hòa, giảm sự xuất hiện khí carbon. Tiếp đến là những thiết kế liên quan đến bao che phủ, các vật liệu xây dựng, các thiết kế dạng “thụ động” và “chủ động” nhằm tận dụng tối đa các yếu tố từ tự nhiên.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cho biết phát triển đô thị xanh và công trình xanh là một nội dung trong Chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh. Đầu tư vào công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao (giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng)…
Đối với các công trình nhà ở gia đình thấp tầng, các nhà ở căn hộ thương mại phân khúc thu nhập trung bình và nhà ở giá rẻ cho các gia đình thu nhập trung bình hoặc thấp, khi xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang được công nhận xanh cần có tác tiêu chí thiết thực và đơn giản. Thứ nhất là tạo được các không gian xanh đơn giản, các vườn mái. Thứ hai là tiết kiệm năng lượng và nước sinh hoạt thông qua các giải pháp thiết kế cách nhiệt, thông gió, áp dụng các thiết bị năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước đã được dán nhãn… Cuối cùng là sử dụng vật liệu xanh, vật liệu không nung, vật liệu tái chế. Những giải pháp tận dụng được yếu tố tự nhiên cho công trình chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm chi phí xây dựng.
Do vậy, ông Dũng cho rằng, cần vận động và hỗ trợ phát triển nhà ở xanh một cách rộng rãi tới phân khúc các dự án khu dân cư, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại các đô thị. Hiện nay, phần lớn các công trình và khu nhà đạt tiêu chí “xanh” thuộc phân khúc nhà ở thương mại tiêu chuẩn cao cấp, biệt thự gia đình có thu nhập cao. Bên cạnh đó, các chương trình phát triển đô thị xanh và đô thị bền vững, phát triển nhà ở xanh cần được các chính quyền đô thị coi trọng là mục tiêu phát triển mang tính chiến lược ưu tiên trước mắt trong lộ trình phát triển thành phố thông minh.
Ông nhấn mạnh: “Các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ vay vốn đầu tư lãi suất thấp khoảng 6%/năm cho chủ đầu tư khi đầu tư các dự án xây mới hoặc cải tạo chỉnh trang theo hướng nhà ở xanh. Bên cạnh đó, một số hình thức hỗ trợ đối với chủ đầu tư ở các nước khác cũng được các chuyên gia giới thiệu. Chẳng hạn, Trung Quốc có chương trình trợ cấp quốc gia đối với công trình có chứng nhận tự nguyện 3 sao công trình xanh. Chủ đầu tư được hỗ trợ 7 USD/m2 đối với công trình 2 sao và 13 USD/m2 đối với công trình 3 sao khi duy trì các tiêu chuẩn xanh sau 1 năm kể từ khi hoàn thành. Chủ tòa nhà còn được xem xét giảm thuế tài sản”.
Trong khi đó, với kinh nghiệm thiết kế kiến trúc công trình xanh tại Tây Ban Nha,, ông Yoan Guyon, Giám đốc Phát triển kinh doanh, chuyên gia tư vấn vận hành công trình thuộc Công ty Boydens Việt Nam, cho rằng hầu hết các chủ đầu tư ở Việt Nam vẫn còn e ngại với việc đầu tư phát triển công trình xanh, công trình bền vững, vì hiệu quả đầu tư chưa được chứng minh một cách rõ ràng.
Mặt khác, công trình xanh bền vững được dự đoán sẽ là xu hướng phát triển chính tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân bởi đây là kỳ vọng của thế hệ mua nhà tiếp theo, nhóm khách hàng chiếm tới 35% dân số Việt Nam và người nước ngoài. Đây là nhóm dân số có thu nhập bình quân và học thức cao, do đó kéo theo sự gia tăng kỳ vọng về tiêu chuẩn sống với ý thức chú trọng vào sức khỏe.
Theo đó, ông Yoan Guyon chia sẻ: “Tôi muốn nói rằng, căn hộ xanh không chỉ tạo ra một môi trường trong nhà đảm bảo sức khỏe thể chất mà còn phải giúp tái tạo sức khỏe tinh thần, đồng thời mang lại cảm giác hạnh phúc và tự chủ cho người sử dụng.
Điều quan trọng là khi đầu tư vào công trình xanh, chủ đầu tư cần cung cấp những bằng chứng và chỉ rõ cho người mua nhà những lợi ích và hiệu quả vượt trội của công trình để họ có thể đưa ra quyết định lựa chọn dễ dàng hơn. Có như vậy, công trình xanh mới có thể tồn tại và phát triển được. Nó cũng đóng vai trò như dòng sản phẩm mới giúp các chủ đầu tư giảm áp lực cạnh tranh trong giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản hiện nay”./.
Theo An Vũ - Hồng Hạnh/reatimes.vn