Phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị tại Việt Nam, nhưng công trình này còn gặp nhiều khó khăn đó là doanh nghiệp e ngại kinh phí đầu tư, do kiến thức hiểu biết về công trình xanh vẫn còn chưa được phổ biến và bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện.
Đáng chú ý, và giữa tháng 4/2018, TP.HCM ra quyết định về phê duyệt danh sách các nội dung thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các công trình xây dựng trên địa bàn trong giai đoạn 2018 - 2020 và năm 2018.
Theo đó, 100% các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Cơ quan chức năng có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước làm công tác tiết kiệm năng lượng, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý công trình xây dựng thân thiện môi trường; thúc đẩy xây dựng công trình xanh, xây dựng và áp dụng cơ chế ưu đãi cho các công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực cho các đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát...
Nhằm phổ biến, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng trên địa bàn, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong thời gian tới sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ quản lý Nhà nước trong kiểm tra, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cũng tập huấn cho các đơn vị tư vấn thiết kế trong việc áp dụng tiết kiệm năng lượng và sử dụng các vỏ bao che áp dụng công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng.
Trên cơ sở điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chế độ ưu đãi thì Sở Xây dựng phối hợp với các sở chuyên ngành thành phố xây dựng kế hoạch ưu đãi, tăng hệ số sử dụng đất. Tuy nhiên, vấn đề này đang chờ Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND thành phố phê duyệt.
Trên thực tế, có rất nhiều chủ đầu tư muốn đi theo những định hướng xanh. Có nghĩa là ngoài việc tiết kiệm về năng lượng, có thể tiết kiệm nước, vật liệu trong công trình. Chính vì vậy, họ có thể xây dựng công trình theo hướng đạt được các chứng chỉ công trình xanh. Nếu có những chính sác hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp thì chắc chắn công trình xanh sẽ xuất hiện nhiều trên thị trường với chất lượng cao và “xanh đúng nghĩa”.
Cũng theo kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới, xây dựng các công trình xanh trung bình sẽ đòi hỏi tăng vốn đầu tư khoảng 3 - 8% so với đầu tư thông thường. Nhưng các công trình xanh sẽ tiết kiệm 15-30% năng lượng sử dụng, giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải CO2, tiết kiệm 30-50% lượng nước sử dụng và 50 - 70% chi phí xử lý chất thải. Các công trình xanh góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao.
Tại Việt Nam, hiện một số tổ chức quốc tế và các Hội nghề nghiệp như UNDP, IFC, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đang tích cực có các hoạt động để thúc đẩy phát triển công trình xanh, đô thị xanh. Một số trường như Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng đang đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển xanh đô thị.
Có thể nói, các chương trình phát triển công trình xanh, đô thị xanh bền vững vẫn đang được coi trọng và cũng là mục tiêu phát triển mang tính chiến lược ưu tiên trước mắt của đất nước. Đây chắc chắn là cơ hội để doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư và chú trọng thêm các công trình xanh trong tương lai./.
Theo An V/reatimes.vn