Theo báo cáo “Công trình xanh: định hướng tài chính và chính sách cho các thị trường mới nổi” vừa công bố của IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, đến năm 2030, cơ hội đầu tư công trình xanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ước tính lên tới khoảng 17,8 nghìn tỷ USD.

Giám đốc Bộ phận khí hậu tại IFC Alzbeta Klein cho biết, diện tích sàn các toà nhà cao tầng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060 và sự bùng nổ các tòa nhà cao tầng phần lớn sẽ xảy ra tập trung ở các thị trường mới nổi, đặc biệt ở các quốc gia thu nhập trung bình đang có tăng trưởng dân số cao, đô thị hóa nhanh chóng và tăng trưởng thu nhập.

Ông Alzbeta Klein nhận định: “Xây dựng xanh là một trong những cơ hội đầu tư lớn nhất của thập kỷ tiếp theo, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm tay nghề cao cho các thập kỷ sắp tới”.

Đến năm 2030, tính riêng các thị trường mới nổi trên toàn thế giới, công trình xanh sẽ mang lại cơ hội đầu tư lên tới 24,7 nghìn tỷ USD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững. Với 80 triệu người dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu ở châu Á trong vài năm tới, nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng cao.

Giống như các thành phố đang phát triển bùng nổ khác trên thế giới, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Dân số sống tại đô thị được dự báo sẽ tăng từ 34,7 triệu người vào năm ngoái lên 65,7 triệu người vào năm 2050.

Xây dựng xanh là một trong những cơ hội đầu tư lớn nhất của thập kỷ tiếp theo (Ảnh minh hoạ)

Điều này có nghĩa là hơn một nửa dân số sẽ chuyển đến sống ở các khu vực đô thị, cần có thêm 12 triệu mét vuông diện tích sàn mỗi năm và đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng Việt Nam. Nhiều công trình xây dựng hơn đồng nghĩa với việc những nhu cầu liên quan khác cũng gia tăng.

IFC đã xây dựng EDGE ( Excellence in Design for Greater Efficiencies), một hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, đặc biệt cho các thị trường mới nổi như Việt Nam. Chỉ trong 5 năm, EDGE đã được áp dụng cho gần 1,4 triệu mét vuông diện tích sàn tại Việt Nam, chiếm hơn 50% thị trường công trình xanh của cả nước.

Các công trình nhận được chứng chỉ EDGE tại Việt Nam đã mang lại lợi ích cho 50.000 cư dân, những người đã tiết kiệm được gần 1,4 triệu USD hóa đơn tiền điện nước. Các công trình này cũng giảm tiêu dùng được 12.000 MWH điện một năm và giúp tránh phát thải được gần  10.000 tấn khí nhà kính một năm.

Với sự hỗ trợ của chính phủ Thụy Sỹ thông qua SECO, IFC cũng đã tư vấn cho Chính phủ Việt Nam xây dựng quy chuẩn mới về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, qua đó giúp ngành xây dựng cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Quy chuẩn là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 8% vào năm 2030, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

IFC nhận định mặc dù có những mục tiêu tham vọng liên quan đến công trình xanh, các thị trường mới nổi đều gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập các biện pháp hiệu quả nhằm bắt buộc và khuyến khích việc áp dụng các thông lệ xây dựng xanh trên quy mô lớn. Những rào cản cần vượt qua bao gồm năng lực kỹ thuật, cũng như những thách thức trong xây dựng và triển khai các quy chuẩn và yêu cầu nhất quán về xây dựng xanh cho một ngành vốn có đặc thù phân cấp và địa phương hóa.

Nena Stoiljkovic, Phó chủ tịch IFC châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân số tăng trưởng và thu nhập cũng đang tăng lên, châu Á cần có giải pháp xây dựng bền vững hơn để giải quyết các yêu cầu bức thiết về hạ tầng của khu vực và thách thức về biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh này, các chính quyền cấp trung ương và địa phương có thể tạo những điều kiện phù hợp cho tăng trưởng của thị trường công trình xanh và ban hành các quy định nhằm đảm bảo sự rõ ràng và chắc chắn về chính sách cho khu vực tư nhân".

Tại Diễn đàn thường niên Bất động sản năm 2019, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: “Hiện tại ở Việt Nam, theo thống kê có khoảng hơn 100 công trình xanh. Tốc độ phát triển của chúng ta quá chậm. Thế giới bây giờ người ta không nói về xanh nữa, mà nói về công trình không phát thải năng lượng”.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ Xây dựng 

Theo đó, giải pháp thúc đẩy phát triển các công trình xanh, ông Thịnh cho rằng, thứ nhất cần luật pháp hóa công trình xanh để chủ đầu tư thực hiện bởi quy định phát triển công trình xanh trong Luật Xây dựng hiện chưa có, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và Luật Bảo vệ môi trường cũng vậy. Bộ Xây dựng đang chỉ đạo đưa vào dự thảo luật để trình Quốc hội.

Thứ hai là về nâng cao nhận thức. Trước đây, không phải thị trường định hướng phát triển công trình xanh mà là chủ đầu tư định hướng phân khúc. Đến nay, số lượng công trình xanh tăng lên, nhiều nhà đầu tư định hướng phát triển công trình xanh về nhà ở. Điều đó cho thấy nhận thức của cả chủ đầu tư và người dân đang dần nâng lên.

Cuối cùng là cần có cơ chế tài chính, cơ chế ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển công trình xanh, bảo vệ môi trường.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Đăng chia sẻ: “Trong tương lai, smart building, smart city là dự án, sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên các công trình xanh vẫn sẽ là chủ đề nóng trên thị trường. Khách hàng hiện nay rất thông minh. Họ chọn dự án có xu hướng xanh, sạch. Các dự án đã triển khai ở thành phố thì một trong các yếu tố để dự án thành công là phải có nhiều cây xanh.

Nhưng ở góc độ triển khai dự án, khó khăn của chúng tôi là không chỉ đảm bảo về cây xanh mà còn ở cả vấn đề thiết kế nữa. Việc thiết kế cần đầu tư nhiều, thiết bị trong tòa nhà cũng quan trọng. Đầu tư thiết bị tân tiến như vậy thì chúng tôi sẽ phải đội chi phí lên rất nhiều. Nếu Bộ Xây dựng không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng rất khó khăn để triển khai.

Tại Trung Quốc, vấn đề môi trường rất kinh khủng. Nhiều chủ đầu tư được nhà nước hỗ trợ 7USD/m2 đầu tư công trình xanh. Thiết nghĩ, Bộ Xây dựng cũng cần sớm có được quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xanh để chúng tôi có hành lang hướng đến. Nếu không doanh nghiệp cũng rất loay hoay”.

Theo An Vũ/reatimes.vn

Bạn đang đọc bài viết Công trình xanh - Xu hướng bùng nổ trong năm 2020 tại chuyên mục Công trình xanh của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn