Phong thủy luôn chú trọng sự hài hòa và cân bằng; trong đó, có cân bằng Âm - Dương, cân bằng giữa Thiên - Địa - Nhân và đặc biệt là cân bằng về Ngũ hành.

Ngũ hành gồm có các hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; trong đó, có quan hệ tương sinh là Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim và Kim lại sinh Thủy… Thời kỳ khởi đầu phát triển đô thị mới, điển hình là các khu tập thể cao tầng đầu tiên ở Hà Nội, người ta chưa chú trọng nhiều đến sự cân bằng các yếu tố trong Ngũ hành. Lúc bấy giờ mới chỉ quan tâm đến giải quyết chỗ ở với hai loại hình nhà ở đặc trưng là nhà cấp bốn chia gian và chung cư loại 3 - 5 tầng.

Xét về Ngũ hành, nhà chung cư đương nhiên là tường xây gạch hoặc lắp ghép bê tông tấm lớn; mái đổ bê tông hoặc các tấm tuynel bê tông, đều thuộc Thổ. Trong nhà, đương nhiên có bếp đun và hệ thống thắp sáng thuộc Hỏa. Những gia đình được phân căn hộ này thường có điều kiện mua sắm các thiết bị điện và chúng thường thuộc Kim. Tựu trung ba yếu tố chính là Thổ, Hỏa và Kim. Khuôn viên của các khu chung cư này thường cũng ít cây xanh và đặc biệt là thiếu mặt nước. Như vậy, loại nhà ở này chưa đủ Ngũ hành nên thiếu sự hài hòa, mất cân bằng. Chính vì vậy mà người cư ngụ thường cảm thấy tù túng, bức bối.

Thời mở cửa, khi bắt đầu hình thành các khu đô thị mới, trong đó có các nhà liền kề, chung cư cao tầng mà khởi đầu là khu Định Công, tiếp theo là Linh Đàm ở Hà Nội. Điểm khác biệt lớn nhất so với chung cư cũ đó là số chiều cao tăng lên nhiều, diện tích căn hộ cũng lớn hơn, thiết kế căn hộ với nhiều phòng chức năng hơn và là căn hộ khép kín với những tiện nghi hiện đại. Tuy nhiên, về yếu tố phong thủy vẫn không khác chung cư cũ là bao và chủ yếu vẫn bao gồm ba yếu tố chính là Hỏa, Thổ và Kim. Do vậy, cảm giác chung vẫn là bức bối với lời than thở “bị nhốt giữa bốn bức tường bê tông”.

Đặc biệt, cường độ làm việc ngày càng tăng cộng với áp lực xã hội và nhất là sự nóng lên của trái đất, hiệu ứng đô thị đã làm cho hành Hỏa vượng lên. Mặt khác, đời sống khấm khá khiến các gia đình cũng mua sắm nhiều thiết bị tiện nghi và hiện đại làm hành Kim trong căn hộ mạnh lên. Kết cục dẫn đến sự xung đột giữa Hỏa và Kim ngày càng gay gắt (vì Hỏa khắc Kim) càng gia tăng áp lực đối với người cư ngụ trong căn hộ.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu con người ngày càng cao. Căn hộ chung cư không đơn thuần chỉ là nơi để ngủ nữa mà cư dân đòi hỏi đó phải là một môi trường sống nhân văn, thân thiện và là nơi con người có thể giải tỏa áp lực, tái tạo sức lao động. Sự phát triển của các khu chung cư trong những năm gần đây đang theo xu hướng này, với sự bổ sung hai yếu tố cốt lõi trong phong thủy là Thủy và Mộc, trở thành hình mẫu đô thị trong tương lai: Kiến trúc xanh!

Ở các chung cư và các khu đô thị xanh, ngoài việc đưa tính xanh vào vật liệu và thiết bị cùng giải pháp kỹ thuật như vật liệu thân thiện môi trường, thiết bị tiết kiệm điện, giải pháp xử lý và tái sử dụng nước thải…, chủ đầu tư còn đặc biệt chú trọng đến yếu tố xanh tự nhiên, đó là cây xanh và mặt nước. Những công trình này thường có mật độ xây dựng thấp, dành đất để trồng cây xanh và không gian công cộng. Không những chỉ phủ xanh ở mặt đất, nhiều công trình còn xanh hóa, đưa cây xanh vào bên trong và lên các ban công hay trên sân thượng tòa nhà.

Thông thường, theo quy luật sinh khắc của Ngũ hành thì Kim khắc Mộc. Nhưng do ở các công trình kể trên, Mộc quá vượng nên lại khắc chế trở lại Kim, giúp làm giảm ảnh hưởng không tốt của các trang thiết bị, phương tiện hiện đại như các thiết bị điện, máy vi tính, thiết bị nghe nhìn và các sóng điện từ. Thực ra, có thể dùng hành Hỏa để hạn chế Kim (vì Hỏa khắc Kim), nhưng sự khắc chế này thường tạo ra sự xung sát lớn, sẽ ảnh hưởng không tốt đến người cư ngụ, nên dùng Mộc vượng để chế khắc ngược lại Kim sẽ tốt hơn nhiều.

Đồng thời với yếu tố Mộc của cây xanh, yếu tố Thủy của nước cũng hết sức được coi trọng. Trong nhiều dự án, ngoài việc dành đất trồng cây xanh thì chủ đầu tư cũng chú trọng làm sông, hồ cảnh quan hoặc ít nhất cũng thiết kế bể bơi trong và ngoài tòa nhà, vừa để tạo thêm tiện ích cho cư dân, vừa giúp điều hòa nhiệt độ và không khí một cách tự nhiên. Yếu tố Thủy này giúp khắc chế hành Hỏa quá vượng như trên đã đề cập, từ đó giúp cân bằng trong Ngũ hành, tạo môi trường hài hòa cho con người.

Điển hình cho xu hướng này có thể kể đến các khu đô thị của Vingroup như Vinhomes Riverside với các con sông nhân tạo uốn lượn quanh các dãy biệt thự, Vinhomes Times City với Thủy cung và dàn nhạc nước, hay Vinhomes Ocean Park với bãi biển nhân tạo, mang cả đại dương vào trong phố… Còn các dự án của Capital House thì phủ xanh từ các lối đi trong khuôn viên, trong sảnh và lên các ban công của mỗi căn hộ, văn phòng, giúp cho con người hòa mình với thiên nhiên. Đó cũng là các khu đô thị sinh thái Ecopark, Flamingo Đại Lải Resort, các công trình xanh Diamond Lotus Riverside hay Orchard Garden…, mà không gian xanh và hồ nước chiếm vai trò chủ đạo.

Mặc dù ở các dự án, công trình này, cây xanh và mặt nước có khi là những yếu tố ngoại cảnh, không nằm trong không gian riêng nhưng vì nó có số lượng lớn nên rất vượng, do đó làm tăng tính Mộc và Thủy, tạo sự cân bằng về Ngũ hành trong từng căn hộ. Từ đó làm tăng sinh khí, giúp cho người cư ngụ có vượng khí tốt.

Điều đó giải thích vì sao cư dân sống trong những tòa nhà, chung cư hay khu đô thị sinh thái luôn cảm thấy dễ chịu, tinh thần sảng khoái và có sức khỏe tốt, từ đó dẫn đến làm việc hiệu quả và cuộc sống hài hòa, hạnh phúc, thành công trong công việc.

Có thể nói, sống xanh đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng trên phạm vi toàn cầu để tạo sự phát triển bền vững và nhân văn, lấy con người và thiên nhiên làm trung tâm. Điều đó không những có cơ sở khoa học của nó, mà còn được lý giải bằng triết lý, văn hóa phương Đông, tạo sự cân bằng và hài hòa của Ngũ hành trong phong thủy.

Tuệ Linh

Bạn đang đọc bài viết Kiến trúc xanh dưới góc nhìn phong thủy: Xu hướng trở lại sự cân bằng tại chuyên mục Công trình xanh của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn